Hợp đồng trước hôn nhân nên hay không và thực hiện thế nào ? Rất nhiều người trước khi kết hôn băn khoăn về vấn đề này, cùng tham khảo bài phân tích của luật sư để có hướng nhìn nhận về vấn đề này.

1. HỢP ĐỒNG TIỀN HÔN NHÂN NÊN H AY KHÔNG NÊN?

Pháp luật một số nước phương Tây cho phép trước khi kết hôn, nam nữ có quyền lập khế ước (hợp đồng) hôn nhân. Các bên thỏa thuận các vấn đề pháp lý như phân định tài sản chung, riêng, trước, trong và sau hôn nhân hoặc liên quan đến việc một hoặc hai bên muốn chấm dứt hợp đồng hôn nhân, quyền nuôi con và chia tài sản nếu vợ chồng ly hôn. Chiều 27.5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Hôn nhân Gia đình sửa đổi, với nhiều ý kiến còn trái chiều về hôn nhân đồng giới, chế định ly thân hay việc mang thai hộ. Dự án Luật cũng bổ sung chế độ tài sản theo thỏa thuận của các cặp vợ chồng trước khi kết hôn, hay còn được gọi là “hợp đồng tiền hôn nhân”.

Việc các cặp đôi lập hợp đồng tiền hôn nhân đã được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, song đây sẽ là lần đầu tiên thỏa thuận này được áp dụng tại Việt Nam khi dự án luật được thông qua. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp, có ý kiến của đại biểu đề nghị cân nhắc việc bổ sung chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận trong Luật. Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung chế định này, nhưng yêu cầu cần quy định chặt chẽ để tránh các hành vi lợi dụng nhằm tẩu tán tài sản có được do lừa đảo, tham nhũng… Theo qua điểm cá nhân tôi nếu có Hợp đồng hôn nhân thì việc giải quyết tranh chấp tài sản khi ly hôn sẽ được giải quyết dễ dàng hơn.

Phân tích cụ thể:

1. Tài sản chung riêng của vợ chồng: 

Tại Điều 32 Luật hôn nhân và gia đình quy định về Tài sản riêng của vợ, chồng như sau: “1. Vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại khoản   1 Điều 29 và Điều 30 của Luật này; đồ dùng, tư trang cá nhân. 

2. Vợ, chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung”.

       Tại khoản 1 Điều 27 Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau: “Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất”.

             Như vậy, Luật hôn nhân và gia đình đã có quy định về tài sản riêng của vợ chồng là tài sản có trước thời kỳ hôn nhân, còn bất cứ tài sản gì có trong thời kỳ hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng trừ trường hợp tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân. Nhưng lại chưa có quy định cụ thể nào về việc hoa lợi lợi tức được hình thành từ nguồn gốc tài sản riêng sẽ được giải quyết ra sao Việc quy định chưa cụ thể của Luật hôn nhân và gia đình đã gây rất nhiều khó khăn cho vợ chồng trong việc xác định tài sản chung riêng vì theo quy định của luật hôn nhân gia đình chỉ cần căn cứ vào ngày đăng ký kết hôn và ngày hình thành tài sản để xác định tài sản đó là chung hay là riêng còn những cái khác nếu có tranh chấp các bên phải tự chứng minh… Trên thực tế vấn đề tài sản chung riêng do không có quy định rõ ràng đã gây rất nhiều khó khăn cho các cặp vợ chồng cũng như các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết công việc  cũng như giải quyết tranh chấpliên quan đến tài sản.

Ví dụ 1: Anh B và chị C kết hôn ngày 2/1/2012, trước khi kết hôn với chị C anh B có mua một căn hộ chung cư ngày 30/11/ 2011 nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận, ngày 20/2/2012 anh B được Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Nếu căn cứ vào ngày Cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu thì đây là tài sản hình thành trong thời kỳ hôn nhân, tài sản này sẽ là tài sản chung của vợ chồng anh B chị C vì anh chị kết hôn ngày 2/1/2012. Nhưng xét về nguồn gốc hình thành tài sản này thì tài sản này có trước thời kỳ hôn nhân (anh B mua ngày 30/11/2011). Nếu vợ chồng anh B và chị C có tranh chấp về tài sản anh B sẽ mất rất nhiều công sức để chứng minh căn hộ là tài sản riêng của anh và nếu anh không chứng minh được căn hộ này sẽ là tài sản chung của vợ chồng?

Ví dụ 2: Anh A và chị D kết hôn ngày 12/12/2012, ngày 31/12/2012 chị D được bố mẹ tặng cho riêng mảnh đất, ngày 31/10/2013 chị chuyển nhượng mảnh đất này cho người khác số tiền chuyển nhượng mảnh đất chị mua một căn hộ chung cư đứng tên một mình chị, ngày 31/12/2013 chị D được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tháng 1/2014 Chị D ly hôn. Ngày 20/2/2014 chị D ra Văn phòng công chứng để bán căn hộ này cho người khác Văn phòng công chứng cho rằng đây là tài sản trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng chị D (mặc dù chị D đứng tên một mình trong Giấy chứng nhân) vì vậy chị D muốn bán phải có sự đồng ý của chồng. Giả sử chồng chị D không đồng ý, hoặc đã đi nước ngoài thì việc bán căn hộ của chị sẽ được giải quyết ra sao? Rõ ràng tài sản này hình thành từ tài sản riêng của chị D nhưng nếu chị D không có căn cứ chứng minh đây là tài sản riêng thì đương nhiên căn hộ này sẽ là tài sản chung của vợ chồng chị.

            Trên đây chỉ là một vài các ví dụ đơn giản trên thực tế còn rất nhiều các trường hợp do không xác đinh được tài sản chung riêng như : động sản, cổ phần, cổ phiếu, vốn góp…. đã dẫn tới rất nhiều các tranh chấp tài sản của vợ chồng kéo dài hàng năm chưa giải quyết được gây ra một số thiệt hại nhất định về vật chất cũng như tinh thần cho cả hai bên và cho cả cơ quan tố tụng. Dó đó theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc xác lập Hợp đồng tiền hôn nhân nó sẽ đảm bảo được quyền lợi của các bên một cách chặt chẽ rõ ràng và hợp pháp tránh nhưng phát sinh mâu thuẫn không cần thiết đặc biệt giúp cho cơ quan tố tụng dễ giải quyết khi có tranh chấp về tài sản của vợ chồng. 

Một số quan điểm cho rằng Việc giao kết hợp đồng tiền hôn nhân ảnh hưởng đến tình cảm, hạnh phúc gia đình. Hợp đồng tiền hôn nhân như thỏa thuận thuận tình ly hôn “treo”. Theo quan điểm của tôi Hợp đồng tiền hôn nhân sẽ không ảnh hưởng đến tình cảm của vợ chồng bởi:

–  Hợp đồng tiền hôn nhân là sự tự nguyện thỏa thuận giữa hai bên nó phân biệt rạch ròi về mặt tài sản. Còn hôn nhân được hình thành trên sự yêu thương tôn trọng lẫn nhau, Hợp đồng tiền hôn nhân chỉ là một thỏa thuận nhỏ đảm bảo quyền lợi cho các bên nó không ảnh hưởng đến tình cảm vợ chồng.  

– Khi  hai bên không còn yêu thương, quan tâm lẫn nhau, luôn bất đồng về quan điểm và lối sống dẫn tới mục đích hôn nhân không đạt được thì ly hôn cũng là sự giải thoát để các bên ổn định cuộc sống của mình. Tại thời điểm này việc có Hợp đồng tiền hôn nhân còn giúp cho việc ly hôn của vợ chồng diễn ra nhẹ nhàng hơn tránh những thù địch nhưng tranh chấp kéo dài ảnh hưởng đến chính mối quan hệ sau này giữa các cặp vợ chồng.

  2. Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân 

 Tại Điều 29 Luật hôn nhân và gia đình quy định về việc Chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân như sau: “1. Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lý do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thoả thuận chia tài sản chung; việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản; nếu không thoả thuận được thì có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

2. Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”. 

 Tại Điều 30 luật Hôn nhân và gia đình quy định về Hậu quả chia tài sản chung của vợ chồng như sau: “Trong trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng thì hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người; phần tài sản còn lại  không chia vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng”.

  Như vậy, luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định cho phép các cặp vợ chồng được thỏa thuận chia tài sản chung việc quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân và hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia thuộc sở hữu riêng của mỗi người chính là việc xác lập quyền tài sản riêng của vợ chồng. Quy định này đã giúp các bên xác định tài sản riêng của mình và nếu các bên không tự thỏa thuận chia tài sản được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc yêu cầu Tòa án phân chia tài sản trong thời kỳ này sẽ dẫn đến tình cảm vợ chồng bị rạn nứt thậm chí còn dễ dẫn tới ly hôn nếu các bên không đạt được mục đích của mình, vậy tại sao ngay từ khi chuẩn bị kết hôn pháp luật lại không cho phép các bên lập Hợp đồng tiền hôn nhân để tránh những mâu thuẫn không cần thiết về tài sản sau này, đồng thời việc xác lập hợp đồng tiền hôn nhân cũng để bảo về quyền tài sản riêng của mỗi bên. Mặt khác việc luật quy định các bên có quyền yêu cầu Tòa án chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân khi không thỏa thuận được vô hình chung tạo điều kiện cho các bên có quyền xác lập tài sản riêng ngay khi vợ hoặc chống muốn xác lập tài sản riêng mà không cần phụ thuộc vào ý kiến của bên còn lại. Do đó nếu pháp luật cho phép xác lập Hợp đồng tiền hôn nhân sẽ đề cao sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không trao quyền ( thông qua tòa án) buộc phải xác lập tài sản riêng theo yêu cầu của một bên. 

Từ những phân tích nêu trên theo quan điểm cá nhân tôi, tôi ủng hộ việc quy định  Hợp đồng tiền hôn nhân trong luật hôn nhân và gia đình Việt Nam nhưng Hợp đồng này chỉ được chấp nhận và thực hiên theo sự tự nguyện thỏa thuận của hai bên chứ không phải là Hợp đồng bắt buộc khi kết hôn. Vì Hợp đồng này là sự tự nguyện thỏa thuận của các bên nên chỉ cần theo mẫu thống nhất  mà không cần bắt buộc phải công chứng, chỉ cần chứng thực hoặc do văn phòng luật sư hay luật sư soạn thảo và làm chứng.

Rate this post

Related Posts